Tướng mệnh khảo luận - Vũ Tài Lục
![](/ImageGen.ashx?image=/Files/Images/batquai/fiveelementsstars.gif&width=300&height=300&quality=90)
Đó là câu hỏi gắn liền với đời sống nhân loại ngay từ khi loài người nhận thấy sự thọ yểu của mỗi sinh mệnh. Nó lại càng gây thắc mắc hơn khi con người sống tụ thành xã hội và nhận thấy lẽ cùng thông trong đời sống.
Phải chăng cùng thông thọ yểu là sự an bài của đấng tối linh trời, phật, thượng đế như các tính ngưỡng tôn giáo lập luận.
NHỮNG CÂU CHUYỆN ĐỂ CHỨNG MINH HAI CHỮ TRI MỆNH
Chu Á Phu đương thời trọng nhậm chức Thái thú tỉnh Hồ Nam, đến nhờ Hứa Phụ xem tướng cho mình. Hứa Phụ nói:
Tám năm nữa ông là tể tướng.
Mười năm nữa thì ông chết đói.
Chu Á Phu cười mà rằng:
- Đã phú quý tột đỉnh như thế sao còn chết đói, xin tiên sinh chỉ dạy cho tôi biết tại sao?
Hứa Phụ nói:
- Pháp lệnh (hai vết từ mũi xuống cằm) chạy vào miệng, theo tướng pháp gọi là rắn lao vào trong miệng là tướng chết đói. Ông có tướng đó.
Quả nhiên chính trị biến động. Chu Á Phu bị giam cầm, năm ngày không ăn thổ huyết mà chết.
Hứa Phụ xem tướng cho Đặng Thông bảo pháp lệnh nhập khẩu thế nào cũng chết đói.
Vua Hán Văn Đế không chịu phán rằng:
- Đặng Thông là triều thần của trẫm, phú quý của Đặng Thông do trẫm định đoạt, trẫm có thể cho Đặng Thông cả núi đồng để đúc tiền.
Về sau, Đặng Thông chết đói trong nhà một nông dân đúng như Hứa Phụ tiên đoán.
Vua Hán Văn Đế gọi Hứa Phụ vào thưởng cho châu báu rất nhiều.
Hứa Phụ coi tướng Ban Siêu nói:
- Hàm én, đầu hổ bay mà ăn thịt thực là tướng vạn lý phong hầu.
Ít lâu sau, Ban Siêu bỏ văn theo võ, lập đại công uy chấn miền Tây Vực được phong làm Định Viễn Hầu.
An Lộc Sơn lúc nhỏ nghèo hèn, đi ở hầu cho Trương Thủ Khuê. Lúc rửa chân cho Khuê bỗng ngừng tay chăm chú nhìn. Khuê hỏi:
- Mày nhìn gì thế?
Lộc Sơn thưa:
- Tại tôi thấy bàn chân trái ngài có nốt ruồi lớn.
Khuê bảo:
- Đấy là cái tướng phất cờ khởi loạn của tao.
An Lộc Sơn vái chủ rồi nói:
- Thưa ngài cả hai bàn chân tôi đều như vậy.
Khuê hết sức ngạc nhiên.
Về sau An Lộc Sơn làm loạn đốt cháy kinh đô nhà Đường, khiến Đường Minh Hoàng phải bỏ chạy.
Thần Phóng ẩn cư nơi thôn dã đến thăm nhà tướng học uyên thâm Trần Hy Di.
Phóng cải dạng làm tiều phu. Trần Hy Di trông thấy cười mà rằng:
- Tiên sinh tiều phu, 20 năm nữa tiên sinh là bậc nhị phẩm nhân thần, thiên hạ ai cũng biết tiếng.
Đúng 20 năm sau, Thần Phóng làm giám nghị đại phu rồi thăng chức Công bộ thượng thư.
Đời Hậu Hán, Vương Mãng có tướng lạ, trán cao dô, mắt đỏ con ngươi vàng, tiếng nói oang oang, quyền cao, mũi lớn, miệng rộng.
Công Tôn Đề bảo Vương Mãng:
- Đầu hổ, miệng hổ, tiếng như beo nếu không ăn nổi người tất bị người ăn.
Vương Mãng cướp ngôi nhà Hán không được bao lâu thì bị giết.
Ông Thánh Thán, nhà phê bình văn học danh tiếng đời Thanh.
Giao du rộng, bạn bè nhiều, có những tay tướng mệnh học tài giỏi thường ăn ngủ trong nhà Thánh Thán. Coi tướng cho Thánh Thán, người nào cũng tỏ ra thương tiếc, mười người xem thì cả mười người đều phê tướng cách Thánh Thán là sẽ bất đắc kỳ tử, lúc chết thây không toàn vẹn.
Kết cuộc, Thánh Thán bị kết tội chém ngang lưng.
Tào Tháo sai thích khách đi ám sát Lưu Bị. Thích khách vào yết kiến Bị để bày kế diệt Tào. Bị rất hợp ý, nói chuyện thật tương đắc. Chợt Khổng Minh vào. Thích khách mặt biến sắc. Khổng Minh nhìn người khách lạ rồi ngồi yên lặng. Thích khách đi tiểu tiện. Lưu Bị bảo Khổng Minh:
- Đó là một kỳ sĩ, có thể giúp cho ông.
Khổng Minh thở dài bảo Lưu Bị:
- Người ấy sắc động thần huy, gian hình ngoại lậu tà tâm nội tàng. Tôi chắc hắn là thích khách của Tào Tháo sai phái tới đây.
Lưu Bị cho người đuổi theo bắt thì thích khách đã chạy trốn rồi.
Dương Quý Phi lúc nhỏ chạy chơi ngoài đồng ruộng. Có thầy tướng họ Trương trông thấy nói:
- Người đại phú quý sao lại ở đây?
Bạn hữu họ Trương hỏi:
- Con bé quý đến bậc tam phẩm không?
Trương đáp:
- Hơn thế nữa.
- Nhất phẩm?
- Hơn nữa.
- Thế chắc phải là Hoàng hậu?
- Cũng chưa đúng hẳn.
Dương Quý Phi là một trong bốn người đẹp nhất của Trung Quốc, từng làm rung chuyển cơ nghiệp nhà Đường.
THÀNH BẠI Ở CHỖ QUYẾT ĐOÁN HAY DO DỰ
Việc thành bại của cá nhân do nhiều lẽ. Tuy nhiên, quyết đoán hay do dự là quan kiện trọng yếu cho thành bại. Cái nghĩa cao nhất của hai chữ quyết đoán khác hẳn hai chữ quyết liệt và bừa liều.
Trương Lương quyết thắng việc ngoài ngàn dặm chỉ cần ngồi trong doanh trại, khác hẳn Hạng Võ hôm nay quyết liều một trận.
Sách tướng dạy rằng:
“Kẻ nhiều ngạo khí hay liều
Kẻ thần bất túc không quyết đoán”.
Xem tướng để biết ai quyết đoán, ai liều, ai do dự, xem ở đâu?
Hãy nhìn vào các bộ vị trên mặt, nếu thấy mi cốt (xương dưới lông mày) cao ngang, sống mũi nổi, quyền cốt cao, cằm đưa lên như chầu vào mũi. Đó là tướng dũng cảm quả quyết. Xong nhìn vào nhãn thần (ánh mắt) thấy sáng trong chứng tỏ trí tuệ cao minh, mắt thẳng thắn con người không trâng tráo, đảo điên chứng tỏ tâm lý kiên quyết không thay đổi. Cộng với đôi mắt cắn chỉ (Ngậm chặt rất khít) cũng là dấu hiệu của tính quyết đoán. Có những tướng trên rất dễ thành công.
Đời Tam Quốc, Tuân Úc trong một cuộc đàm thoại với Tào Tháo đã nói về Viên Thiệu như sau:
- Ngoài mặt thì bao dung nhưng lòng lại đố kỵ
- Do dự không quyết đoán dễ hỏng việc về sau.
- Trị quân lỏng lẻo, pháp lệnh không nghiêm, quân mã nhiều mà vô dụng.
- Cậy là kẻ quyền thế, chuộng hư danh nên chỉ có những kẻ hẹp hòi thấy lợi thì tôn thờ, nịnh bợ.
Tất cả những tính kể trên của Viên Thiệu bởi do dự không quyết đoán mà ra.
Quyết tâm có tạo khí thế cho sự nghiệp như sao đẩu, sao ngưu, đẹp như cầu vồng mọc ngang trên trời.
Tỉ dụ: Phạm Hồng Thái vác bom ném vào tên toàn quyền thực dân Pháp Merlin. Thành bại hay không không ở chỗ tên trùm thực dân có chết hay không mà ở chỗ nó làm nổ lên một quyết tâm diệt thù.
Lòng quyết tử tiến lên đường gió bụi
Hai bàn tay thề phục lại sơn hà
Thái Bình Dương lấp bằng niềm tủi nhục
Lấy máu đào rửa sạch máu yêu ma
(Thơ Thái Dịch)
Tác giả: Admin | Đã xem: 3634