Ngũ hành của Dụng thần, Hỷ thần, …trong Bát tự

Xem Tử Bình, điều quan trọng nhất là tìm đúng được Dụng Thần, Hỉ Thần, Vệ Thần và Kỵ Thần. Sau khi tìm được Dụng Thần …Kỵ Thần thì phải biết áp dụng vào trong đời sống để mệnh vận được tốt đẹp hơn.

Hỉ dụng thần và những điều quan yếu 

Phép xem tử bình việc mấu chốt là phải tìm ra được dụng thần cho đương số. Vậy dụng thần là gì?
Dụng trong chữ Sử dụng, dụng thần có nghĩa nôm na là: yếu tố được sử dụng để số mệnh được tốt hơn. Yếu tố này thể hiện dưới dạng ngũ hành và can chi, trong khoa tử bình.
Như vậy, dụng thần có thể là một trong các hành Kim Mộc Thuỷ Hoả Thổ, có thể là một trong các can từ Giáp đến Quý, hay là một trong các chi từ Tí đến Hợi.

Dụng thần là cái có tác dụng lớn nhất, cần thiết nhất trong tứ trụ. Khác với vệ thần, kỵ thần, hỉ thần, dụng thần có sức cứu giải và ảnh hưởng đặc biệt. Nếu không tìm nổi dụng thần, thì một là số xấu, buộc phải chấp nhận thiệt thòi, hai là rất khó dự đoán đúng vận hạn cuộc đời .
Dụng thần không nhất thiết là hành yếu nhất trong tứ trụ, không nhất thiết là hành sinh cho thân, nói tóm lại không có dụng thần theo kiểu sản xuất công nghiệp, mà đòi hỏi sự tinh tế và chắc chắn trong tay nghề của người giải số.
Nguyên tắc của dụng thần thông thường là :
– Phát huy cách cục tốt trong trụ
– Chế giải cách cục xấu
– Điều hoà âm dương ngũ hành của trụ.

Một lá số gặp được dụng thần, thì mức cao nhất là phú quý, mức thấp hơn thì cuộc đời được thuận lợi vui vẻ, ít nhất thì cũng có thể giảm đi nhiều tai hoạ.
Dụng thần có thể nằm ngay trong tứ trụ, có thể không có trong tứ trụ. Khi không có trong trụ thì ta tìm dụng thần trong tên goị, trong đại vận, trong nghề nghiệp, trong tuổi của người thân, trong môi trường và phong thuỷ. Cuối cùng thì trong tuổi của bạn bè, đối tác.
Dụng thần biến hoá tuỳ theo cách cục của từng trụ. Ví như điểm xấu của trụ là thân nhược, thì dụng thần phải là can chi hay hành làm cho thân vượng.
Nếu thân đang quá vượng, thì dụng thần là can chi hay hành làm cho thân nhược bớt đi.
Tuy nhiên dụng thần không nên phá mất quý khí, có những trường hợp hành vượng đang là quý khí, thì chọn dụng thần phải khéo léo để điều hoà mà không khiến cho thui chột.
Dụng thần có phân định giữa ngũ hành và can chi, ví dụ nếu hành hoả là dụng thần thì không có nghĩa là Bính Đinh Tỵ Ngọ đều dùng được, bởi lẽ can chi còn có quan hệ xung hợp, hợp hoá làm cho ngũ hành bị thay đổi. Điều này hết sức quan trọng, không được phép lơ là khi chấm số.

Hỉ thần đứng sau dụng thần, hoàn toàn không phải hành sinh cho dụng thần như một số người nói, mà là hành hay can chi có lợi cho tứ trụ, nhưng vai trò không lớn, không thực sự cần thiết như dụng thần. Cũng như trong đời, mình cần thức ăn nước uống, đó là dụng, còn đồ trang sức, cái nhà đẹp… là hỉ thần vậy.
Vệ thần khá dễ hiểu, là thần bảo vệ: cái gì yếu quá trong trụ thì cần có bảo vệ, vì nếu quá yếu sẽ tượng trưng cho bệnh tật, hoặc trong thân nhân có người yếu kém, hoặc trong vận số có tiềm ẩn tai hoạ. Vệ thần dùng để bảo vệ trong trường hợp này.

Kỵ thần ngược với dụng thần, là yếu tố mà đụng vào thì xui, đương số cần tránh. Chỉ cần hiểu sơ sơ vậy là được. Kỵ thần sử dụng để tránh các tuổi, các ngành nghề,phương vị, năm tháng… tương ứng nhằm giảm thiểu rủi ro. ”

Dụng thần thường sẽ là:
– Can chi trợ cho thân, khi thân nhược.
– Can chi hoá giải sự xung khắc giữa các can chi trong trụ.
– Can chi có lực nhất trong trụ và thể hiện sự giàu sang phú quý.

Hỉ thần thường là:
– can chi đem lại giàu sang phú quý.

– Can chi tương trợ dụng thần mà không ảnh hưởng hoá hợp hay sinh hoá ra kỵ thần.

Ngũ hành của Dụng Thần

Dụng Thần hành KIM:

Nghĩa khí, công bằng, cứng rắn, kỷ luật, cương quyết….; mầu trắng, bạc, vàng và tất cả kim loại, hình tròn, chùa, sư, hướng Tây, Tây Bắc, chữ Canh và Tân, giờ Thân và Dậu….những ngành nghề thuộc hành Kim, tiệm kim hoàn, tài chánh….

Dụng Thần hành THỦY:

Trí tuệ, mưu lược, khiêm tốn,…; mầu Đen and xanh dương, nước, ao hồ sông biển…, hình uốn lượn, hướng Bắc, chữ Nhâm và Quý, giờ Hợi và Tí….những ngành nghề du lịch, di động, hàng nước, giao tế….

Dụng Thần hành MỘC:

Nhân ái, Vui vẻ, rộng lượng, dễ tha thứ, bố thí…; mầu xanh lá, cây cỏ, vải, sách báo, gỗ, hình chữ nhật, cao thẳng, hướng Đông và Đông Nam, chữ Giáp và Ất, giờ Dần và Mão….những ngành nghề lâm sản, nội thất (gỗ),  nhà sách, báo, vườn trẻ, bệnh viện, dệt, nhà may quần áo….

Dụng Thần hành HỎA:

Lễ độ, nhiệt tình, ấm áp, ngoại giao…; mầu hồng, đỏ, lửa, sức nóng, mặt trời, hình tam giác, hướng Nam, chữ Bính và Đinh, giờ Tỵ và Ngọ….,những ngành nghề thuộc hành hỏa như đầu bếp, tiệm bán đèn/ánh sáng, quang học, nhiệt năng, thuốc nổ, vật liệu điện….

Dụng Thần hành THỔ:

Tín nhiệm, giữ lời hứa, đứng đắn, trầm tĩnh, sự thật, tin tưởng….; mầu nâu, đất đá, sành sứ, hình vuông, trung tâm, giờ Thìn Tuất Sửu Mùi….; những ngành nghề địa ốc, khoáng vật, đất đá, gạch ngói, xi măng, đồ gốm, xây dựng…

Và các Kỵ thần

Kỵ Thần hành KIM: quá cứng rắn, quá cương, không chịu tha thứ….

Kỵ Thần hành THỦY: quỷ quyệt, mưu mô….

Kỵ Thần hành MỘC: ủy mị, thiếu cương quyết….

Kỵ Thần hành HỎA: nóng nảy, hiếu thắng, dễ nổi nóng bực mình khó chịu….

Kỵ Thần hành THỔ: chậm chạp, stubborn, không chịu thay đổi…..

Tất cả mầu sắc, phương hướng, ngành nghề thì vẫn giống như trong phần Dụng Thần.

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.